Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Phim Đò Dọc 2015 (PhimVN)

Đò Dọc 2015 (PhimVN)

 xem phim bo vietnam 2015

Tóm tắt nội dung:
Đò dọc kể về những bước truân chuyên rày đây mai đó của gia đình ông giáo Nam Thành do những biến động xã hội thời loạn lạc những năm 1950 của thế kỷ 20
Đó là một gia đình trung lưu trí thức. Ông bà Nam Thành có bốn cô con gái (Hương, Hồng, Hoa, Quá - bốn người bốn tính cách). Ông vốn là thầy giáo, dạy học ở Bạc Liêu. Do chiến tranh loạn lạc, gia đình ông đành phải di tản lên Sài Gòn kiếm sống. Tại đây không còn được làm thầy giáo, bất đắc dĩ ông phải trở thành chủ hiệu buôn, chuyên buôn bán vali da, túi xách ở phố me Tây (nơi các cô gái Việt làm me Tây). Khách hàng của họ phần đông cũng là dân Tây. Sau 1954, Tây thua trận về nước, chuyện buôn bán ngày càng ế ẩm, lại gặp lúc giao tranh giữa các giáo phái…
Để giữ mạng sống cho cả nhà, ông Nam Thành quyết định rời bỏ Sài Gòn lui về một vùng quê (miệt Thủ Đức, Bình Dương) nhưng bấy giờ khá hẻo lánh, mua đất cất nhà, lập trang trại đặt tên Thái Huyên Trang. Đó là một quyết định khó khăn, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác, dù bốn cô con gái tuổi từ 22 đến 28 đều chưa chồng. Trước khi về quê, hai cô chị là Hương và Hồng coi như đã “lỡ hai chuyến đò tình” (vị hôn phu của Hương là Thái, có tư tưởng tiến bộ, mất tích một cách bí ẩn; và Nhân, người tình của Hồng, phản bội).
Ở quê, dù đã hết sức cố gắng nhưng họ vẫn không thể hòa nhập được với cuộc sống nông thôn do những khác biệt về nhận thức, về thói quen, về văn hóa… Đó cũng là nỗi lo lớn nhất của ông bà Nam Thành vì khả năng cả bốn cô con cưng ế chồng là rất lớn. Chiều chiều, không bạn bè, không có gì để vui chơi giải trí, họ bắc ghế ra sân nhìn những chuyến xe qua lại trên quốc lộ, ví như đó là những chuyến đò dọc mà không biết đến bao giờ mới có chuyến ghé vào bến Thái Huyên Trang rước bốn cô đi…
Nhưng rồi may mắn cũng mỉm cười với họ: Một tai nạn xe cộ đã đưa anh chàng Long, họa sĩ, lọt vào Thái Huyên Trang. Thái Huyên Trang vốn yên bình bỗng bắt đầu huyên náo… Như là một sự tất yếu, chính Long và ba cô em gái đã cùng “trôi trên con sông tình” với đầy đủ những cung bậc cảm xúc như hy vọng, thất vọng, giận hờn, ghen tuông… Cuối cùng, nhờ Long làm chiếc cầu nối, chuyến đò tình của ba cô em cũng cặp bến (Hồng với Long, Hoa với Đăng, Quá với Côn). Riêng người chị cả (Hương) cũng có một đứa bé gái mồ côi mẹ để mà chăm sóc – Đứa bé này và cha của nó đều dễ thương. Như vậy là ông bà Nam Thành cũng đã thực hiện được cái ước mơ nhỏ nhoi mà hệ trọng (gả được chồng cho bốn cô con gái cưng).
Cái tựa "Đò Dọc" mang hai ý nghĩa. Thứ nhất, những chuyến xe xuôi ngược trên quốc lộ được ví như những chuyến đò dọc không biết bao giờ mới dừng lại Thái Huyên Trang. Thứ hai, cuộc sống rày đây mai đó của người dân trong thời loạn lạc, lúc Bạc Liêu, lúc Sài Gòn, lúc Thái Huyên Trang… cũng không khác nào những chuyến đò dọc của đời người, lênh đênh, vô định…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét